You are using an outdated browser. For a faster, safer browsing experience, upgrade for free today.


Theo dõi INTERBRA trên INTERBRA trên Google News

Nhân viên tách ra làm riêng kiện Bà Chủ vì sử dụng nhãn hiệu giả mạo, Bà Chủ bị phạt 12 tháng cải tạo.


     1.    Nội dung  Vụ việc 

  

                                         (Nguồn: Thanhnien.vn)


Hà Nội - Theo quyết định của Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm ngày 22/6, bà Trần Thị Hiệp, chủ Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ, đã bị xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Bà Hiệp cũng phải bồi thường hơn 300 triệu đồng cho ông Triệu Văn Mỹ, chủ nhãn hiệu kẹo sìu châu Toàn Mỹ.

Theo hồ sơ do Công an phường Phúc Diễn cung cấp, vào tháng 6/2009, bà Hiệp thành lập Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Thanh Lan và thuê ông Mỹ, là anh họ của bà, làm kẹo thành phẩm. Trong số các loại kẹo mà ông Mỹ làm có kẹo sìu châu (hay còn gọi là kẹo lạc).

Từ tháng 3/2013, ông Mỹ tách ra làm riêng và đăng ký nhãn hiệu Toàn Mỹ với Cục Sở hữu trí tuệ. Năm 2015, ông Mỹ được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho kẹo sìu châu Toàn Mỹ.

Đến năm 2020, bà Hiệp thành lập Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ và tiếp tục sản xuất kẹo sìu châu dùng nhãn hiệu Toàn Mỹ mà không có sự đồng ý của ông Mỹ. Bà Hiệp cũng không thay đổi logo trên nhãn mà chỉ thêm dòng chữ “SX tại công ty Toàn Mỹ” với màu sắc gần trùng với màu nền.

Ngày 13/1/2022, Công an phường Phúc Diễn phát hiện Công ty TNHH MTV Bikin mua 400 thùng kẹo sìu châu Toàn Mỹ từ Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ. Sau khi giám định tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan chức năng xác định đây là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ của ông Mỹ.

Bà Hiệp khai nhận vẫn lấy tên công ty là “Toàn Mỹ” vì thấy nó đẹp và phong thủy. Bà Hiệp cho rằng việc in tên công ty trên bao bì là để rõ nguồn gốc xuất xứ và không có ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Tòa án quận Bắc Từ Liêm đã quyết định xử phạt bà Hiệp về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bà Hiệp phải trả lại toàn bộ hàng hóa vi phạm và bồi thường thiệt hại cho ông Mỹ.

Nguồn thông tin: thanhnien.vn

2.     Bình luận về vụ việc:  

Theo Interbra, vụ án này có thể được xem là một trường hợp điển hình của việc hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Trong vụ án này, bà Hiệp đã sử dụng nhãn hiệu Toàn Mỹ cho kẹo sìu châu mà không có sự đồng ý của ông Mỹ, người đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho loại kẹo này. Bà Hiệp cũng không thay đổi logo trên nhãn mà chỉ thêm dòng chữ “SX tại công ty Toàn Mỹ” với màu sắc gần trùng với màu nền. Điều này có thể khiến người tiêu dùng nhầm tưởng rằng kẹo sìu châu do bà Hiệp sản xuất là hàng chính hãng của ông Mỹ.

Interbra cho rằng, việc bà Hiệp lấy tên công ty là “Toàn Mỹ” vì thấy nó đẹp và phong thủy không phải là lý do chính đáng để biện minh cho hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, thêm vào đó mặc dù đã được Ông Mỹ nhắc nhở nhưng bà Hiệp vẫn không chấm dứt hành vi xâm phạm của mình nên đây là hành vi cố ý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của bà Hiệp.

Theo thông tin tra cứu nhãn hiệu của Interbra thì khi Bà Hiệp sở hữu Công ty TNHH sản xuất bánh kẹo Thanh Lan đã từng đăng ký nhãn hiệu "Toàn Mỹ"  (link chi tiết: https://interbra.vn/info/searchid?id=254312nhưng đã bị Cục Sở Hữu Trí Tuệ từ chối cấp giấy chứng nhận. Đến khi Bà Hiệp thành lập Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ đã tiến hành đăng ký một vài nhãn hiệu như "Minh Mỹ"  (link nhãn hiệu: https://interbra.vn/info/searchid?id=705395); nhãn hiệu "Triệu Mỹ" (link nhãn hiệu: https://interbra.vn/info/searchid?id=705394) nhưng vẫn giữ cụm từ "SX tại Công ty TNHH SX bánh kẹo Toàn Mỹ". Điều đó chứng tỏ bà Hiệp đã biết được việc Ông Mỹ đã đăng ký thành công nhãn hiệu Toàn Mỹ mà vẫn cố tình đăng ký và sử dụng dấu hiệu "Toàn Mỹ".

Theo quy định tại khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự hiện hành Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. 

Để xác định hành vi của người xâm phạm là cố ý hay vô ý, ta cần xem xét các yếu tố sau: (i) mối quan hệ giữa người xâm phạm và chủ sở hữu quyền; (ii) quá trình người xâm phạm tiếp xúc với nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ vi phạm; (iii) quá trình bị cáo sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ vi phạm; (iv) biện pháp bị cáo thực hiện để ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xâm phạm.

Trong vụ án này, Bà Hiệp là họ hàng của ông Mỹ và đã từng thuê ông Mỹ làm kẹo thành phẩm, trong đó có kẹo sìu châu. Bà Hiệp biết rõ rằng ông Mỹ đã đăng ký nhãn hiệu Toàn Mỹ với Cục Sở hữu trí tuệ từ năm 2013 và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2015. Bà Hiệp đã sử dụng nhãn hiệu Toàn Mỹ cho sản phẩm kẹo sìu châu của mình từ năm 2020 đến năm 2022. Sau khi được thông báo về việc vi phạm nhãn hiệu của ông Mỹ, Bà Hiệp chỉ thay đổi một số chữ trên nhãn sản phẩm mà không thay đổi logo Toàn Mỹ. Như vậy, có thể kết luận rằng bà Hiệp có chủ ý và khả năng nhận thức về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của mình.

Nên việc Tòa án quận Bắc Từ Liêm nhận định hành vi của Bà Hiệp là cố ý và ra quyết định xử phạt bà Hiệp 12 tháng cải tạo không giam giữ là đúng người, đúng tội, cũng như có tính răn đe và giáo dục cho các doanh nghiệp khác trong việc tôn trọng quyền sở hữu công nghiệp.

3.     Kết luận

Có thể thấy việc thực hiện hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam có thể bị vướng vào vòng lao lý, nên Interbra khuyến cáo, để tránh vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức về việc tôn trọng và bảo vệ nhãn hiệu của mình và của người khác. Các doanh nghiệp cũng cần thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu đúng quy định và tra cứu nhãn hiệu kỹ lưỡng trước khi sử dụng.



INTERBRA - Đơn vị dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ.

------------------------------

📢Hãy liên hệ với INTERBRA để được tư vấn miễn phí và nhanh chóng.

📢Đừng bỏ lỡ cơ hội để bảo vệ thương hiệu của bạn.

📢Hãy đăng ký nhãn hiệu ngay hôm nay!

------------------------------

CÔNG TY TNHH TRÍ TUỆ INTERBRA

🏡Số 8 Đường Số 6, KDC Cityland Park Hills, P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM

📧ib@interbra.vn

🌐interbra.vn

📌Fanpage: https://www.facebook.com/interbra.vn/


Tác giả: Hà Ngọc
Lưu Ý: Nội dung trên website này chỉ phản ánh quan điểm của Interbra và không có tính chất là lời khuyên hay dịch vụ pháp lý. Quý vị cần tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý trước khi đưa ra bất kỳ quyết định hoặc hành động nào dựa trên nội dung này.


Tag:

#interbra #nhanhieu #tracuunhanhieu #viphamnhanhieu #baohonhanhieu



Bài Viết Mới

Facebook messenger Facebook messenger